Quy hoạch xây dựng và căn cứ lập quy hoạch xây dựng
Khái quát về quy hoạch xây dựng là gì? Căn cứ lập quy hoạch xây dựng?
Sự phát triển của đất nước có thể nhìn thấy rõ thông qua các cơ sở hạ tầng được nhà nước đầu tư xây dựng. Hoạt động xây dựng ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải được thực hiện dựa trên quy hoạch xây dựng, một yếu tố nền tảng để giải quyết hài hòa tất cả mặt của trong tình hình của một nước, từ lợi ích quốc gia đến phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường và đời sống của nhân dân. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về quy hoạch xây dựng, căn cứ lập quy hoạch xây dựng là gì? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
1. Khái quát về quy hoạch xây dựng?
Khái niệm về quy hoạch xây dựng được giải thích tại Khoản 30, Điều 3, Luật Xây dựng, theo đó: “Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.”
Quy hoạch xây dựng được chia thành 03 loại, bao gồm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch xây dựng khu chức năng. Về mặt hình thức, quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
Quy hoạch xây dựng có vai trò cực kỳ quan trọng, bằng việc tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ, quy hoạch xây dựng là cơ sở để khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý, đất đai, nhân lực, các điều kiện kinh tế, xã hội để phát huy tối đa sự phát triển. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng còn nhằm thu hút đầu tư, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Đồng thời, quy hoạch xây dựng giúp cho ổn định đời sống dân cư, tạo lập môi trường sống vững chắc cho họ, từ đó, huy động sức người để bảo vệ các di tích, môi trường, cảnh quan và duy trì bản sắc dân tộc.
Nghiên cứu rõ hơn quy định tại Điều 13 Luật Xây dựng (nội dung trọng tâm trong phần này), tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, nêu rõ:
“1. Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
2. Quy hoạch đô thị là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị.
Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
3. Quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm các loại quy hoạch được quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.”
Các quy định trên chỉ xác định phạm vi và tính chất của các loại quy hoạch xây dựng, trong đó:
Thứ nhất, đối với quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng.
– Khái niệm về quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch xây dựng khu chức năng lần lượt được giải thích tại các Khoản 31, 32 Điều 3 Luật Xây dựng. Nội dung mà tác giả muốn phân tích ở đây là tính chất của hai loại quy hoạch này, đó là “quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành”.
Thực tế, quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành không phải là cụm thuật ngữ xa lạ, nó đã được quy định cụ thể trong Luật Quy hoạch năm 2017 nhưng không thật sự quá rõ ràng, cụ thể: Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm các quy hoạch được quy định tại Phụ lục 2 của Luật này. (Khoản 9, Điều 3).
Tuy nhiên, Luật quy hoạch dẫn chiếu và xác định quy hoạch xây dựng đều được xem là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, nhưng tại Khoản 1, Điều 13 Luật Xây dựng chỉ xác định quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch xây dựng khu chức năng, vậy quy hoạch đôi thị và quy hoạch nông thôn có mang đặc điểm này hay không? Điều này phải được thể hiện rõ hơn trong quy định của pháp luật.
Thứ hai, đối với quy hoạch đô thị.
Quy hoạch đô thị được điều chỉnh bởi pháp luật xây dựng, pháp luật về quy hoạch nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng, tính chất phức tạp ở đô thị với mật độ dân số cao, nơi tập trung các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp,… khiến cho hoạt động quy hoạch ở đây cực kỳ khó khăn và phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, từ đó đòi hỏi hệ thống luật điều chỉnh cũng cần đa dạng và cụ thể.
Quy hoạch đô thị là một trong 5 loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, được xem là bộ phần quan trọng để tạo nên quy hoạch tổng thể quốc gia hoàn thiện và chỉnh chu. Quy hoạch đô thị bao gồm: Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới; Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới; Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.
Thứ ba, đối với quy hoạch nông thôn.
Gắn liền với quy hoạch đô thị thì không thể thiếu quy hoạch nông thôn, đây cũng là một trong 5 loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quy hoạch quốc gia. Quy hoạch nông thôn không mang tính phức tạp nhiều như quy hoạch đô thị nhưng cũng có giá trị tác động lớn trong việc bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên, di tích và thực hiện nông thôn mới. Quy hoạch nông thôn bao gồm: Quy hoạch chung xây dựng được lập cho toàn bộ ranh giới hành chính của xã; Quy hoạch chi tiết xây dựng được lập cho điểm dân cư nông thôn.
2. Căn cứ lập quy hoạch xây dựng?
Quy hoạch xây dựng được lập dựa trên 5 căn cứ cơ bản được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 13 Luật Xây dựng, cụ thể:
Thứ nhất, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển.
Đây là căn cứ đầu tiên và quan trọng nhất trong 5 căn cứ lập quy hoạch xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển là những mục tiêu và định hướng dài hạn và cách thức để thực hiện được các mục tiêu đó. Như đã nói, quy hoạch xây dựng có vai trò cực kỳ quan trọng, vì vậy, quy hoạch xây dựng phải dựa trên chiến lược phát triển, gắn chặt với chiến lược phát triển, để tránh làm sai lệch, gây ảnh hưởng khó lòng có thể thay đổi nếu đã hoàn thành.
Thứ hai, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch cấp quốc gia bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. (Khoản 1, Điều 5, Luật Quy hoạch 2017).
Quy hoạch vùng là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh. (Khoản 7, Điều 3, Luật Quy hoạch 2017)
Quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. (Khoản 8, Điều 3, Luật Quy hoạch 2017)
Có thể thấy, mối quan hệ giữa các quy hoạch là cực kỳ chặt chẽ để tạo nên một quy hoạch thống nhất, không thể tách rời. Căn cứ này đòi hỏi khi lập quy hoạch xây dựng, “người lập” phải tìm hiểu và thực sự chú ý đến quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, để tránh tình trạng mâu thuẫn với các loại quy hoạch này.
Thứ ba, quy hoạch thời kỳ trước.
Quy hoạch thời kỳ trước ở đây được hiểu là phải là quy hoạch tại cùng “vị trí”, ví dụ lập quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nam năm 2021 thì phải xem xét quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nam vào năm 2010. Việc dựa vào quy hoạch thời kỳ trước là để khắc phục những nhược điểm và phát huy những ưu điểm trong quy hoạch, vừa tiết kiệm thời gian lại vừa mang lại hiệu quả.
Thứ tư, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng và quy chuẩn khác có liên quan.
Đây cũng là yêu cầu phải đảm bảo về nội dung quy hoạch. Việc dựa vào quy chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn khác có liên quan nhằm cho ra đời một “bản quy hoạch xây dựng” có tiềm năng, hợp lí, hiệu quả và được chứng minh qua các thông số cụ thể chứ không phải thực hiện theo cảm tính của người lập.
Thứ năm, bản đồ, tài liệu, số liệu về hiện trạng kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên của địa phương.
Căn cứ này căn cứ quan trọng, nhằm tác động tới việc lập quy hoạch xây dựng phù hợp với tình trạng kinh tế, xã hội, điều kiện tự nhiên của địa phương, làm thế nào để quy hoạch xây dựng phải phát huy được vai trò vốn có của nó, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, đời sống nhân dân và môi trường, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.